Điều trị bệnh trĩ bằng thủ thuật Tiêm xơ búi trĩ

Mục Lục

    Một ngày nào đó, bỗng nhiên bạn cảm thấy xốn khi ngồi làm việc hoặc cảm thấy rát hay ra chút máu khi đi nặng, thậm chí thấy một cục lồi sa ra ở cửa hậu… Đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của một căn bệnh khó nói – bệnh trĩ. Căn bệnh này tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên mọi người thường bỏ qua và còn vì lý do bệnh ở vùng kín đáo nên thường ngại ngùng nhất là phụ nữ. Thật sự là bạn khó tâm sự với ai và thường là tự đến một nhà thuốc nào đó mua một vài loại thuốc sử dụng để tự trấn an mình. Nhưng giờ thì bạn sẽ thật sự an tâm khi đọc bài viết này.



    1. BỆNH TRĨ LÀ GÌ?
    - Là bệnh rất phổ biến, chiếm tỉ lệ khoảng 50-60% các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng (trĩ, nứt kẽ hậu môn, rò (mạch lươn), sa trực tràng…). Căn nguyên là do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Vì thế nó không lây như một số người lầm tưởng.
    - Có 2 triệu chứng chính đưa chúng ta đi khám bệnh là chảy máu và sa búi trĩ. 
    Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất (ra máu dính giấy, chảy thành giọt hay thành tia..). Và tâm lý chung là mọi người thường sợ hãi khi thấy triệu chứng này! 
    - Sa búi trĩ thường xảy ra muộn hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu. Sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở hậu môn, lúc đầu nó tự tụt vào được, về sau càng to dần phải dùng tay nhét vào. 
    Ngoài 2 triệu chứng chính trên, có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau rát khi đi cầu, ngứa, chảy dịch quanh lỗ hậu môn… làm cho ta thiếu tự tin trong giao tiếp.

    2. YẾU TỐ GÂY RA BỆNH TRĨ.
    Các yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh :
    – Rối loạn đi cầu : táo bón kinh niên hoặc đi cầu nhiều lần trong ngày, khi đi cầu phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong lòng ống hậu môn, kích thích niêm mạc hậu môn, lâu ngày làm các búi trĩ dãn to, sung huyết.
    – Tăng áp lực ổ bụng : người lao động nặng như khuân vác.., thai phụ… làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng mắc bệnh.
    – Tư thế đứng: áp lực tĩnh mạch trĩ tăng cao hơn khi ở tư thế đứng. Vì vậy, bệnh thường gặp ở người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như : nhân viên văn phòng, thợ may, tài xế…
    – Một số bệnh lý gây bệnh thứ phát : như viêm phế quản mạn, dãn phế quản, viêm đại tràng mạn, ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung… 

    3. ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
    Nếu bệnh trĩ không gây ra các biến chứng như : chảy máu, tắc mạch tạo cục máu đông, trĩ sa nghẹt sưng đau, nhiễm trùng lở loét… thì không cần điều trị. Chỉ điều trị khi trĩ gây những rối loạn ảnh hưởng đến sinh hoạt và năng suất lao động của người bệnh. Tuy nhiên điều trị ở giai đoạn sớm sẽ tránh cho bạn những biến chứng phiền toái về sau.
    Bạn cần đến những cơ sở y tế có uy tín, kinh nghiệm và đúng chuyên ngành hậu môn trực tràng để được chẩn đoán chính xác và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp để tránh những biến chứng, di chứng đáng tiếc xảy ra như: chảy máu, hẹp hậu môn, đại tiện mất tự chủ (do tổn thương cơ vòng)…

    Phương pháp điều trị hiện nay phân thành 3 nhóm: 
    1. Không can thiệp : thường dùng một số thuốc trợ tĩnh mạch để giải quyết triệu chứng là chính, kết hợp chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, dưỡng sinh…
    2. Thủ thuật : tiêm xơ, thắt vòng cao su, quang đông hồng ngoại (ít sử dụng).
    3. Phẫu thuật : khoảng 10% chỉ định điều trị (dao điện, laser, khâu treo, Longo…) với chi phí khá cao.


    Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một phương pháp điều trị: An toàn – Hiệu quả cao – Ít tốn kém và không cần nằm viện.

    Đó là Phương pháp điều trị bệnh trĩ bằng kỹ thuật TIÊM XƠ BÚI TRĨ đang thực hiện tại Khoa Ngoại - Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An.

    Người thầy thuốc sẽ tiếp nhận nỗi lòng khó nói của bạn một cách khám nhẹ nhàng, tế nhị. Sau khi trao đổi tình trạng bệnh, bạn sẽ nằm nghiêng phải trên bàn khám một cách kín đáo. Bác sĩ và cộng sự của mình sẽ tiêm một dung dịch PG60 vào các búi trĩ sa dãn. Mất khoảng 3 phút thế là xong và bạn có thể về nhà làm việc và sinh hoạt như bình thường, không cần nằm viện. Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và khả năng đáp ứng, một liệu trình điều trị sẽ kéo dài 3 – 15 mũi tiêm, mỗi tuần từ 1 – 3 mũi. Búi trĩ sẽ dần dần co teo và biến mất. Đặc biệt chi phí điều trị bệnh rất thấp, chỉ bằng 1/4 so với phương pháp mổ.


    4. PHÒNG NGỪA BỆNH VÀ PHÒNG NGỪA TÁI PHÁT MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN LÀ NGĂN CHẶN CÁC YẾU TỐ SINH BỆNH:

    – Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày. 
    – Điều chỉnh thói quen ăn uống: hạn chế các chất kích thích như rượu, trà, cà phê…, các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu…
    – Uống nước đầy đủ (1,5 – 2 lít/ngày)
    – Ăn nhiều chất xơ từ rau củ, nước ép, trái cây tươi.
    – Nên tập thể dục, dưỡng sinh và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ…
    Bệnh trĩ tuy không nguy hiểm nhưng nếu không biết quan tâm phòng ngừa, chữa trị sớm và đúng cách, có thể gặp nhiều biến chứng và hậu quả xấu, gây tổn hại đến sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc trong gia đình. Và bây giờ bạn đã có thể trút bỏ nỗi niềm riêng của mình một cách nhẹ nhàng rồi đó!

    (Nguồn tham khảo: Viện Y Dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh)

    Share
    0
    +1
    0
    Tweet
    0

    Tin cùng chuyên mục