Sử dụng thuốc nam trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid - 19

Việc kết hợp đông y trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và vừa sẽ không chỉ giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng sức khỏe, mà còn là chỗ dựa tâm lý cho người bệnh, giúp họ yên tâm là vẫn đang được chăm sóc y tế tốt nhất.

Đối với đặc điểm của bệnh COVID-19 như sốt ho, khó thở, ớn lạnh, nhức mỏi, đau đầu, đau họng... rất tương đồng với chứng ôn bệnh trong y học cổ truyền, trong đó có đặc điểm phục tà, tức là có những yếu tố gây bệnh tiềm tàng trong cơ thể con người. Khi sức khỏe suy yếu, thì lúc đó mới phát bệnh. Điều này thể hiện rõ thông qua thời gian ủ bệnh ban đầu của COVID-19. Dựa trên các đặc điểm của bệnh COVID-19 như có thời gian lây bệnh trong lúc virus vẫn còn tiềm tàng trong cơ thể con người, khó phát sớm bệnh, hoặc bệnh sẽ trở nặng khi người mắc bệnh là người lớn tuổi, người có bệnh nền… Các bác sĩ y học cổ truyền đã nghiên cứu rất kỹ nhiều công trình, bài thuốc điều trị hỗ trợ.

I. Làm sạch không khí trong phòng:

Cách đơn giản nhất mang lại bầu không khí trong lành, không vi khuẩn trong ngôi nhà của bạn vô cùng hiệu quả là dùng Hành tây. Năm 1919, thời điểm diễn ra đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, thế giới bị chết hàng trăm triệu người. Đối với giới y học lúc này, dịch cúm là cơn ác mộng, không gì có thể khống chế được. Trong thời điểm đó, giới chuyên gia có đến thăm và khảo sát một làng quê thì thấy có một gia đình nông dân vẫn sống khỏe mạnh trong khi xung quanh nhiều gia đình đã bị nhiễm bệnh và tử vong.

Khi được hỏi về bí quyết phòng chống cảm cúm, chuyên gia ngỡ ngàng khi người nông dân chỉ tay vào một củ hành tây ở trên bàn, mỗi phòng đều có hành tây đặt như vậy. Không thể tin vào điều đó,các chuyên gia đã xin củ hành tây về soi dưới kính hiển vi. Thật ngạc nhiên, bên trong củ hành tây bám đầy siêu vi trùng. Kinh nghiệm này chứng tỏ củ hành tây đã hút hết siêu vi trùng nên cả gia đình đó mới có thể sống khỏe mạnh trong đại dịch cúm năm ấy.

                                                      Theo Đông y, hành tây có vị cay, tính ấm.

Tác dụng giải biểu, kiện tỳ, hòa trung, tiêu thực sát trùng, lợi tiểu tiện. Chữa các chứng cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu, bụng đầy chậm tiêu, nhiễm khuẩn đường ruột, tiểu tiện bất lợi, phong thấp nhức mỏi. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E.coli và SalmonellaCách sử dụng hành tây để làm sạch không khí như sau: Một củ hành tây to, bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài cùng bỏ đi, dùng dao bổ đôi, không cần cho thêm nước, hành tây sẽ phát tán ra một loại phân tử có thể làm sạch không khí trong phòng, có tác dụng diệt vi khuẩn, đặc biệt là khi trong nhà có người bị cảm cúm. Đến khi hành bị héo hoặc trông không đẹp mắt nữa thì thay củ khác (thường mặt cắt bị đen nếu không khí bị ô nhiễm).

II. Thuốc xông mũi ho:

1. Thành phần:

  • Tỏi (đại toán):

Theo Đông y Tỏi có vị cay tính ôn ấm, quy về kinh tỳ, phế, vị, tác dụng ôn trung tiêu thực, ôn ấm tỳ vị, tiêu tích giải độc, sát trùng. 


Tỏi được coi như chất kháng sinh và kháng khuẩn, tiêu diệt vi trùng. Trong tỏi có glucosid lưu huỳnh, một chất dầu bay hơi hỗn hợp của sunlfua và oxyt allyl gần như nguyên chất, lưu huỳnh, hai hoạt chất kháng khuẩn là alixin và garlixin. Alixin có tác dụng ức chế các vi khuẩn gram (+) và gram (-) (vi khuẩn đường ruột) và chống nấm gây bệnh. Các chế phẩm từ tỏi gồm tương tỏi, rượu tỏi, cao tỏi, thuốc tỏi để xông... có thể sử dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 để tăng sức đề kháng cho cơ thể.


  • Gừng (sinh khương):

Theo Đông y Gừng có vị cay, tính ấm, tác dụng giải biểu, tán hàn, ôn trung, hành thủy, tiêu đàm, giải độc.


Gừng có khả năng ức chế hoạt tính của histamin và acetylcholin, dẫn đến giảm sự co thắt cơ trơn. Gừng còn có tác dụng hạ sốt, giảm ho, giảm đau, cường tim, chống nôn, chống viêm, chống loét đường tiêu hóa, kích thích vận chuyển thức ăn trong đường tiêu hóa, kích thích tuyến nước bọt, ức chế sự phát triển của nhiều chủng nấm.


  • Sả (hương mao):

Theo Đông y Sả có vị cay, thơm, tính ấm, tác dụng phát hãn (ra mồ hôi), chống viêm, tiêu đờm, hạ khí, sát khuẩn, thông tiểu. 


Thành phần của Sả chủ yếu là tinh dầu: citral, geraniol, .... có tác dụng sát khuẩn mạnh, chống viêm, giúp tiêu diệt, ngăn ngừa các tế bào ung thư và không làm ảnh hưởng, tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh khác. Bên cạnh đó, trong sả có chứa thành phần beta-carotene-1 là chất chống oxy hóa cũng có thể giúp cơ thể ngăn ngừa ung thư.


  • Muối ăn: 


Có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, giảm viêm mũi xuất tiết.

2. Cách dùng: 

Liều dùng: Tỏi 3-4 tép bóc bỏ vỏ ngoài, giã nát; Gừng 1 củ khoảng 15 – 20g, thái nhỏ, giã dập; Sả 1 củ, đập dập, dùng dao thái nhỏ; Một thìa cà Phê muối. Trộn đều 4 thành phần, cho vào máy xông mũi họng (nếu có), xông 15 - 20 phút.

Nếu không có máy xông mũi họng, cho thuốc vào cốc thủy tinh (hoặc chai/lọ), đổ nước sôi vào vừa đủ. Lấy chai nhựa cắt phần đáy úp lên cho hơi thuốc bốc qua miệng chai. Hít sâu hơi  thuốc bốc lên (khi không hít dùng nắp chai hoặc ngón tay cái bịt miệng chai lại tránh hơi thuốc thoát ra, khi nguội thêm nước nóng vào trong cốc), xông 15 -20 phút.


3. Thuốc uống: Dùng 1 trong 3 dược liệu sau.

  • Rau diếp cá (ngư tinh thảo):

Theo Đông y Rau diếp cá có tính hàn, vị cay, có tác dụng tiêu độc, thanh nhiệt, lợi tiểu.


Trong y học hiện đại, nó cũng được chứng minh có nhiều hoạt tính: sát khuẩn, chống ung thư, chống dị ứng, chống oxy hóa, kháng viêm, bền mạch máu.

Cách dùng: Dùng 30g – 50 g diếp cá rửa sạch, vò nát, thêm 300ml – 500ml nước sạch sắc sôi, lọc lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày.


  • Lá tía tô (tô diệp):

Theo Đông y lá Tía tô có vị cay ấm, có tác dụng chữa cảm cúm, hạ sốt, làm cho ra mồ hôi, giúp tiêu hóa, thải trừ acid uric.


Trong một nghiên cứu gần đây, một nhóm chiết xuất thảo mộc đơn lẻ thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng cấp tính, bao gồm cả lá tía tô, đã được sàng lọc về hoạt tính kháng vi-rút tiềm năng chống lại SARS-CoV-2, loại vi-rút gây ra COVID-19. Kết quả từ nghiên cứu trong ống nghiệm này chứng minh khả năng của dịch chiết từ lá tía tô trong việc ức chế sự nhân lên của SARS-CoV-2 theo nhiều cách khác nhau.

Cách dùng: Dùng 20g – 30g tía tô, rửa sạch, thêm 300ml – 500ml nước đun sôi, lọc lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày.


  • Lá mơ tam thể:

Theo Đông y, lá mơ tam thể có tác dụng khu phong, lợi thấp, giảm ho, tiêu thũng, giải độc, kích thích lưu thông máu, giảm đau, tiêu thực. 


Theo nghiên cứu hiện đại: Thành phần sulfur dimethyl disulphit, paederin và tinh dầu trong lá mơ tam thể hoạt động như một chất kháng sinh. Nó giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn gây bệnh, chống viêm, giảm sưng đau và điều trị ho hiệu quả.

Cách dùng: Dùng 20g lá mơ tam thể, giã nhỏ, thêm 200ml nước ấm, vắt, lọc lấy nước uống 2 lần/ngày.

Bệnh viện YHCT Nghệ An