Đông y” là thuật ngữ được sử dụng song song với “Y học cổ truyền”, dùng để chỉ nền y học có nguồn gốc Trung Quốc và Việt Nam xưa, để phân biệt với “Tây y” (Y học hiện đại).
Thuốc Đông y rất tốt, giúp cải thiện sức khoẻ, nâng cao thể trạng, đồng thời giúp điều trị bệnh tật. Nhưng chỉ khi nào có bệnh mới dùng thuốc, bệnh gì điều trị bằng thuốc nấy chứ không cắt thuốc uống bừa bãi, đã uống thuốc phải tới khám và được tư vấn, bắt mạch cẩn thận, không nhờ người nhà cắt thuốc hộ. Đặc biệt cần biết rõ nguồn gốc của dược liệu và chỉ nên mua thuốc tại các địa chỉ uy tín.
Đồng thời, cần lưu ý khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, dù đó là thuốc Đông y hay Tây y để bồi dưỡng hay chữa bệnh, nếu thấy người có ban đỏ, mẩn ngứa hay những dấu hiệu khác thường thì bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế ngay để khám và điều trị kịp thời, tránh dùng lại thuốc cũ, hoặc mua thêm thuốc mới tiếp tục tự điều trị, như thế bệnh chính không khỏi mà có khi còn mang thêm tai họa mới.
Bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có cách sử dụng riêng, do đó người bệnh cần phải đọc kỹ và tuyệt đối tuân thủ những chỉ dẫn của các y, bác sĩ.
Thuốc có hiệu quả hay không ngoài việc dùng đúng bệnh và sắc đúng cách còn phụ thuộc vào thời gian uống thuốc có hợp lý hay không. Để hấp thu tốt và phát huy tác dụng cao nhất, các thuốc tư bổ nên uống vào sáng sớm khi chưa ăn sáng; các thuốc có công dụng kiện tỳ, tả hạ (tẩy xổ), khu trùng (trừ giun) nên uống khi bụng đói, trước khi ăn; các thuốc tiêu thực và có phản ứng kích thích dạ dày, ruột nên uống sau bữa ăn; các thuốc thăng đề (đưa lên trên) và ôn lương bổ khí nên uống vào khoảng thời gian từ sáng sớm đến trước giữa trưa; các thuốc tư âm dương huyết, thuốc thanh tả phục hỏa ở âm phận nên uống vào buổi tối; các thuốc trừ tà ở khí phận và dương phận nên uống vào sáng sớm.
Thường thì uống thuốc ấm, nhưng bệnh nhân bị chứng hàn như cảm mạo phong hàn, đau bụng đi ngoài do lạnh… muốn nâng cao tác dụng tán hàn của thuốc thì phải uống nóng. Ngược lại, bệnh nhân bị chứng nhiệt như sốt sao, môi khô họng khát, miệng lưỡi lở loét, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ… thì phải đợi cho thuốc thật nguội mới uống nhằm mục đích tăng cường hiệu quả thanh nhiệt của dược liệu.
Thuốc y học cổ truyền có thể dẫn tới ngộ độc vì một số lý do sau đây:
- Bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc do yếu tố cơ địa.
- Bệnh nhân dùng quá liều (do tự ý hoặc do thầy thuốc chỉ định) loại thuốc y học cổ truyền mà trong thành phần có một hoặc nhiều vị có độc như bán hạ, phụ tử, mã tiền, hoàng nàn...
- Do trình độ hoặc do khám xét không kỹ, thầy thuốc đã kê đơn cho bệnh nhân dùng loại thuốc y học cổ truyền mà lẽ ra là phải chống chỉ định đối với người bệnh.
- Do chất lượng thuốc không bảo đảm vì trồng trọt chăm bón quá nhiều hóa chất có hại, bảo quản không tốt (dùng quá nhiều lưu huỳnh...), bào chế sai quy cách hoặc vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc dễ gây dị ứng ( việc này thường xảy ra ở các quầy thuốc tư nhân vì ham lợi nhuận nên đã nhập các loại thuốc không đạt chất lượng)
- Do nhầm lẫn dược liệu khi thu hái, mua bán và sử dụng. Điều này có thể do người bệnh tự dùng, do lương y bốc thuốc cẩu thả hoặc do gian thương cố tình đánh tráo để trục lợi (ví như dùng thương lục để làm giả nhân sâm).
- Do bệnh nhân không tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc về cách sắc, cách uống, liều lượng và quy trình điều trị.
- Do người bệnh được dùng phối hợp quá nhiều loại thuốc, trong đó có cả tân dược và thuốc y học cổ truyền, nên dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể. Đây là một vấn đề rất phức tạp mà người thầy thuốc dễ bỏ qua và người bệnh cũng dễ tự ý dùng thêm với mong muốn bệnh tình nhanh thuyên giảm...
Để ngăn ngừa những tai biến do dùng thuốc y học cổ truyền, người bệnh cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng thuốc y học cổ truyền khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc chuyên khoa. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.