Thông tuyến Bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh

Theo Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT và tại Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ thời điểm ngày 01/01/2021, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

1.     Điểm khác nhau về quyền lợi của người dân trước khi thông tuyến BHYT và sau khi thông tuyến BHYT như thế nào?

Trước đây, khi chưa thông tuyến tỉnh, mới chỉ thông tuyến huyện, người dân muốn đi khám ở các bệnh viện tuyến tỉnh thì phải cần giấy giới thiệu chuyển viện từ các bệnh viện tuyến huyện hoặc tương đương, có nghĩa là người dân phải đi khám bệnh ở tuyến dưới, và sau đó nêu vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới thì mới được chuyển lên tuyến trên điều trị.

2.        Thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh tạo ra sự thuận lợi như thế nào cho người dân? 

Thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh tạo được sự thuận lợi cho người dân, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, khi đã có thẻ BHYT thì không cần giấy chuyển viện mà vẫn được khám chữa bệnh và họ được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB trên toàn quốc, điều đó có nghĩa là họ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến.

Người có thẻ BHYT điều trị nội trú trái tuyến ở các BV tuyến tỉnh trong cả nước thì vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.

Trước đây, những trường hợp đi KCB trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả  40% chi phí điều trị nội trú tại BV tuyến Trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên,từ 1/1/2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các BV tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.