Tự hào chặng đường 58 năm hình thành và phát triển (16/4/1964 - 16/4/2022)

Trải qua 58 năm hình thành và phát triển, từ Bệnh xá Đông y dân lập quốc trợ chỉ với 10 giường bệnh đơn sơ, đến nay Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã trở thành bệnh viện hạng I tuyến tỉnh với cơ cấu 550 giường bệnh, là đơn vị bảo tồn và phát triển Y Dược cổ truyền lớn nhất tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.

Phát triển mũi nhọn chuyên sâu

Những năm qua, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên bệnh viện đã không ngừng phấn đấu xây dựng Bệnh viện phát triển về mọi mặt. Về công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bệnh viện luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nên thường xuyên cử cán bộ học tập, tập huấn tại các trường đại học hàng đầu, bệnh viện và viện lớn.

Bệnh viện đã thường xuyên chủ động tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện lớn và đầu ngành như: Bệnh viện E, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Châm cứ Trung ương, Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh...tạo tiền để phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Khẳng định vai trò “đầu tàu” ngành Y học cổ truyền tỉnh Nghệ An, bệnh viện chú trọng phát triển chuyên môn kỹ thuật mũi nhọn, phát huy tinh hoa của nền y học cổ truyền kết hợp tiến bộ y học hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Điển hình như kỹ thuật “Điều trị di chứng liệt” do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống; qua đó, đã phục hồi chức năng thành công cho gần 2500 người bệnh thuộc các diện bệnh trên, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, sống vui, sống khỏe. Đặc biệt từ năm 2019, Bệnh viện triển khai kỹ thuật “Nội soi ống cứng can thiệp - Tiêm xơ búi trĩ” bằng thuốc PG60 điều trị thành công cho

hàng nghìn người; tạo nên dấu ấn thương hiệu của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An. Với thế mạnh trong điều trị cơ xương khớp, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như: tiêm, hút dịch ổ khớp, siêu âm nhiệt nóng lạnh, điều trị sóng xung kích… góp phần tăng hiệu quả điều trị và giảm thời gian điều trị, được nhiều người bệnh ghi nhận.

 Năm 2021, Bệnh viện ghi nhận hơn 16.000 lượt người bệnh đến khám và điều trị, tăng 141% so với năm 2020, thời điểm cao hơn 1200 người bệnh điều trị nội trú.

Công nghiệp hoá dây chuyền sản xuất thuốc

Phát huy hiệu quả tinh hoa dược học cổ truyền, những năm gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã chú trọng đầu tư hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, chế biến dược liệu hiện đại, tạo dây chuyền khép kín, đồng bộ theo quy trình.

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của đơn vị, hiểu được điều này, Bệnh viện đã kết hợp với học viện, viện đầu ngành về y, dược cổ truyền đào tạo liên tục, đào tạo thực hành, bồi dưỡng nâng cao tay nghề nghiệp vụ cho các dược sĩ.

 

Để sản phẩm thuốc đạt hiệu quả và an toàn đến tay người bệnh, Bệnh viện tăng cường công tác kiểm soát, giám định chất lượng dược liệu và sử dụng nguồn dược liệu đảm bảo.

Nhờ có máy móc hỗ trợ thay thế phương pháp thủ công trước đây mà công tác sản xuất, bào chế cung ứng dược liệu được đẩy mạnh, đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đạt trên 100% so với kế hoạch; đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị cho toàn Bệnh viện cả về số lượng và chất lượng.


Bệnh viện đầu tư hệ thống máy chiết dược liệu (cô lạnh, cô hơi vô trùng)

Hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã sản xuất, bào chế được 192 vị thuốc, trong đó có 42 thành phẩm (thuốc túi, viên hoàn, cao lỏng), cồn, thuốc bột ngâm chân. Riêng năm 2021, đã bào chế được trên 34.000 kg dược liệu, sắc gần 55.000 thang thuốc theo đơn, sắc hơn 200.000 túi thuốc; Sản xuất 3 loại cao lỏng, tổng số lượng gần 30.000 chai; sản xuất 4 loại thuốc hoàn; gần 150.000 thang.


Hiện nay Bệnh viện đã bào chế và sản xuất được 42 sản phẩm thuốc, trong đó có nhiều sản phẩm thuốc được người bệnh yêu thích như: Hương tô giải cảm, Hoàn an thần điều trị mất ngủ, Cồn xoa bóp, Cửu vị áp hoàn phòng ngừa và điều trị cao huyết áp, thuỷ dược ngâm chân… đặc biệt trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, bệnh viện đã nghiên cứu sản xuất nhiều bài thuốc phục vụ điều trị. 

Hiện mỗi ngày, Bệnh viện kết hợp phương pháp y học cổ truyền với y học hiện đại và sử thuốc Đông y đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân tại các khoa lâm sàng.

Nâng tầm cao mới 

Năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là năm đầu tiên thực hiện thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, song với sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, bám sát tình hình thực tế của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, các chỉ tiêu, kế hoạch trong năm đều đạt và vượt rất cao so với đề ra.

Bệnh viện tập trung định hướng “Giáo dục và tư duy” để cán bộ nhân viên nhận thức được vấn đề, thường xuyên tổ chức nhiều hình thức tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh cho cán bộ từ lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo khoa/phòng, bác, điềuỡng, hộ lý, nhân viên hành chính và bảo vệ…nhằm hướng tới nhân viên bệnh viện xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh thân thiện, đáp ứng sự hài lòng người bệnh.

Để người bệnh được thụ hưởng nền y tế tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, bệnh viện bố trí các bảng, biển chỉ dẫn rõ ràng, chi tiết cho người bệnh; cải tiến các quy trình từ khâu đón tiếp bệnh nhân đến các quy trình khám và điều trị thông qua ứng dụng, triệt để công nghệ thông tin vào các khâu khám chữa bệnh, tiến tới lộ trình số hóa bệnh viện. Bên cạnh đó cán bộ y tế chủ động cung cấp thông tin và công khai các thông tin cần thiết giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh của mình để từ đó có thể đưa ra các lựa chọn phù hợp trong quá trình khám chữa bệnh.


 Bên cạnh nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, đầu tư cơ sở vật chất đã được chú trọng và tăng cường, bao gồm cả đổi mới, nâng cấp về hạ tầng, trang thiết bị cho phòng khám, phòng điều trị cho bệnh nhân lẫn phòng chờ cho người bệnh nhằm xây dựng bệnh viện theo hướng Xanh – sạch – đẹp, phù hợp với môi trường bệnh viện đặc thù.

Bên cạnh đó, bệnh viện đẩy mạnh tự chủ các hoạt động, đổi mới cơ chế tài chính tạo điều kiện cho đơn vị có nguồn lực để đẩy mạnh và duy trì các hoạt động y tế có chất lượng, cũng như nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất cũng như thu nhập cho cán bộ nhân viên. Nhận thức sâu sắc rằng việc đổi mới thái độ, phong cách phục vụ phải gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và mức thu nhập cho cán bộ nhân viên. 

Năm 2021, với sự bùng phát mạnh mẽ khó lường của đại dịch Covid-19, Bệnh viện đã chung sức cùng ngành, chính quyền tham gia chống dịch có hiệu quả tại đơn vị và tham gia tình nguyện chống dịch tại tỉnh thành miền Nam.

20 cán bộ của Bệnh viện tham gia phòng, chống dịch tại các bệnh viện dã chiến và hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng chống dịch.

c định giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là 4 yếu tố cơ bản, quan trọng tạo nên sự hài lòng của người bệnh. Khi người dân được quyền lựa chọn các cơ sở y tế có chất lượng, các cơ sở y tế cần có sự thay đổi suy nghĩ về mối quan hệ giữa “Thầy thuốc” và “Người bệnh”. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ cán bộ của mình để thấm nhuần triết lý “Nếu không có bệnh nhân thì sẽ không có thầy thuốc”, “Bệnh nhân mang việc làm, nguồn lực cho bệnh viện”. Tạo dựng và phát triển mối quan hệ này sẽ mang lại lượi tích cho cả người bệnh và thầy thuốc.

Bằng định hướng đúng đắn và sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, năm 2021, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng I; Sở Y tế xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Bộ Y tế đồng ý chủ trương xây dựng bệnh viện tuyến cuối. Đây là vinh dự đầy tự hào và là kết quả minh chứng cho những nỗ lực của toàn thể cán bộ công viên chức và người lao động.

BSCKII Hồ Văn Thăng – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An nhấn mạnh: “Bệnh viện phấn đấu xây dựng Đảng bộ Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An trong sạch vững mạnh toàn diện; xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đạt tiêu chuẩn Bệnh viện Đa khoa YHCT hạng I hoàn chỉnh với cơ cấu 700 gường bệnh đạt tiêu chuẩn, tiến tới xây dựng bệnh viện trở thành bệnh viện tuyến cuối về YHCT, góp phần cùng các cấp ban ngành sớm đưa Thành phố Vinh trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ./.