Chữa rối loạn thần kinh thực vật bằng Y học cổ truyền

Bệnh nhân 68 tuổi ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng thường xuyên cảm thấy rét, đổ mồ hôi lạnh, phải đi tất choàng khăn.

Bà Đoàn Thị Tính cho biết khoảng 3 tháng trước mỗi ngày bà có 4-5 cơn rét kéo dài 15-20 phút từng cơn. Trong cơn rét bà vã mồ hôi lạnh, ăn ngủ kém, mệt mỏi, sút cân, lúc nào cũng phải mang tất và choàng khăn. Bà đã điều trị một số nơi không hiệu quả, uống thuốc tây và cả các bài thuốc dân gian.

Giữa tháng 7, bà tới Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, khám, bác sĩ chẩn đoán đau thần kinh ngoại biên, rối loạn thần kinh thực vật. Bà điều trị tại khoa Y học cổ truyền bằng các phương pháp điện châm, ngâm chân bằng thuốc y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt, uống thuốc hoàn kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bác sĩ Nguyễn Thị Song An, Trưởng khoa Y học cổ truyền, cho biết bệnh rối loạn thần kinh thực vật điều trị bằng y học cổ truyền rất thích hợp, an toàn, nhằm điều hòa tình trạng mất cân bằng trong hệ thần kinh.  Sau 10 ngày, sức khỏe của bà Tính cải thiện rõ rệt. Bà đã có thể ngồi trước quạt gió, nằm phòng điều hòa, chân không phải đi tất và không phải mặc quần áo dài kín người nữa.

Người bệnh đang được ngâm chân thuốc bắc. Ảnh: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí

Bệnh nhân đang ngâm chân trong thuốc bắc. Ảnh: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí

Các chuyên gia cho biết bộ phận hệ thần kinh kiểm soát các hoạt động nội tạng của cơ thể gọi là thần kinh thực vật. Chức năng của thần kinh thực vật là chỉ huy các hoạt động tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết, mồ hôi...

Rối loạn hệ thần kinh thực vật có thể do tuổi tác, di truyền hay bệnh lý của những cơ quan chi phối. Bệnh không gây tử vong nhưng ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa. Các triệu chứng của bệnh là mệt mỏi kèm trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, ngủ không yên giấc, khó đi vào giấc ngủ. Người bệnh còn cảm thấy khó chịu, tim hồi hộp đập nhanh, tức ngực thở gấp, chán ăn...

Các loại thuốc thường được dùng để điều trị rối loạn thần kinh thực vật gồm thuốc an thần, chống trầm cảm, chữa mất ngủ và các rối loạn lo âu, thuốc điều chỉnh nhu động ruột, thuốc tim mạch, thuốc giảm tiết mồ hôi. Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu như xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt giúp bệnh nhanh khỏi hơn.

Các chuyên gia khuyên nên suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và có lối sống lành mạnh, không lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, trà đặc... Ngoài ra, tập hít thở sâu và xoa vùng trên rốn hàng ngày để phòng và điều trị rối loạn thần kinh thực vật.

 Nguồn: Báo VNexpress