THÔNG TIN VỀ BỆNH BẠCH HẦU VÀ MỘT SỐ KHUYẾN CÁO NGƯỜI DÂN CÁCH PHÒNG, CHỐNG

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium diphtheriae). Bệnh lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin.

Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn, đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.


Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã ghi nhận 1 trường hợp t.ử v.ong với chẩn đoán: Bạch hầu ác tính/Biến chứng viêm cơ tim/Suy đa tạng. Tuy nhiên, tại Nghệ An, đã là ngày thứ 08 không ghi nhận ca mắc mới kể từ ngày ca bệnh cuối cùng được cách ly, tất cả các trường hợp tiếp xúc gần đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng và lấy mẫu xét nghiệm âm tính; Tiếp tục theo dõi ổ dịch trong vòng 14 ngày theo quy định. Vì vậy, người dân không quá hoang mang, lo lắng và cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế, đồng thời chủ động đưa con em mình trong độ tiêm đi tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh sẽ giúp phòng chống được các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu.


Sở Y tế Chỉ đạo CDC cử Đội phản ứng nhanh do đồng chí Phó Giám đốc CDC làm Trưởng đoàn tiến hành điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm các các trường hợp tiếp xúc gần: Lấy 10 mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng và mẫu máu. Hiện nay tất cả mẫu cho kết quả âm tính. Ngày 08/7/2024, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 2185/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.


Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu. Tỷ lệ lây nhiễm khi tiếp xúc gần: Tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam hiện nay là 0,14/100.000 dân; 21,6% có tiền sử rõ ràng tiếp xúc với trường hợp bạch hầu dương tính; Tỷ lệ lây nhiễm khi tiêm đủ vắc xin: Hiệu quả bảo vệ của vắc xin 97%; Tỷ lệ tử vong 2,6%, tỷ lệ biến chứng 4,2%.


Một số triệu chứng phổ biến của bệnh bạch hầu bao gồm: sốt nhẹ, ho, khản tiếng, đau họng, chán ăn… Dấu hiệu điển hình nhất để nhận biết bệnh bạch hầu đó là xuất hiện giả mạc dày, dai, màu xám nhạt hoặc trắng ngà sau khoảng 2-3 ngày mắc bệnh. 


Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: 

- Trẻ em dưới 48 tháng tuổi đi tiêm phòng vắc xin chứa thành phần bạch hầu (5 trong 1, DPT) đầy đủ, đúng lịch theo quy định tại Trạm Y tế. 

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ. 

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

 - Người dân trong ổ dịch cần chấp hành tốt việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.


Người dân không được chủ quan với bệnh bạch hầu, hãy đến ngay các cơ sở y tế khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường của cơ thể nghi ngờ mắc bệnh. Chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bằng cách đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, tuân thủ theo lời khuyên của Bộ Y tế để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Đồng thời theo dõi, cập nhật thông tin trên các trang truyền thông chính thống.